Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường: cung cấp nguồn gỗ, củi, tạo ra oxy, điều hòa lưu lượng nước, là nơi cư trú động thực vật và lưu trữ các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự sống và bảo vệ sức khỏe của con người…Rừng còn có ý nghĩa kinh tế rất lớn, cung cấp tài nguyên gỗ làm vật liệu xây dựng, là nguyên liệu của ngành sản xuất và chế biến lâm sản, sản xuất giấy, đem tới công ăn việc làm, của cải cho con người.
Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế lâm nghiệp, Việt Nam đẩy mạnh phát triển rừng. Hiện nay, tín chỉ carbon rừng đang được ngành lâm nghiệp quan tâm. Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. Phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời giúp người dân dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
Đến năm 31/12/2022, Việt Nam đã có 14,79 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 42%, trong đó 10,13 triệu ha rừng tự nhiên và 4,66 triệu ha rừng trồng. Rừng ở nước ta tập trung chủ yếu ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ duyên hải miền Trung – nơi có địa hình đồi núi và dốc. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 5,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt cao nhất trong các vùng trên cả nước với 54,2%, các địa phương đều có tỷ lệ che phủ rừng từ 43% đến gần 70%, trong đó Quảng Bình đạt tỷ lệ cao nhất với 68,6%; tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc với 5,4 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 53,8%, trong đó tỷ lệ che phủ cao nhất ở Bắc Kạn đạt 73,4%.
10 địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước năm 2022 (%)
Năm 2022 đã trồng mới tập trung được 306,5 nghìn ha rừng bao gồm 294,5 nghìn ha rừng sản xuất; 10,1 nghìn ha rừng phòng hộ và 1,9 nghìn ha rừng đặc dụng, trong đó Quảng Ngãi trồng được 28,1 nghìn ha; Nghệ An trồng được 23,5 nghìn ha; Quảng Nam trồng được 22 nghìn ha; Bình Định trồng được 20 nghìn ha. Năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 298,2 nghìn ha.
Ngay từ đầu năm 2024, công tác trồng rừng đã được đẩy mạnh ở các địa phương. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả kế hoạch, các địa phương đã rà soát hiện trạng và quỹ đất; thiết kế, xử lý thực bì, chuẩn bị đủ giống, vật tư phân bón; đồng thời hướng dẫn bà con trồng rừng đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, góp phần tăng độ che phủ rừng. Tại Quảng Bình trong Quý I/2024, sản xuất lâm nghiệp tập trung vào các hoạt động hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn Quý cùng với thời tiết mát mẻ, có mưa ẩm nên các đơn vị, hộ dân đẩy nhanh tiến độ trồng rừng tập trung vụ Xuân, ước tính diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 1.692,7 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch trồng rừng năm 2024, Tuyên Quang phấn đấu trồng mới trên 10.500 ha, trong đó: Rừng sản xuất là 10.100 ha, rừng phân tán 400 ha; tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động hướng dẫn và kiểm tra các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện công tác quản lý đất lâm nghiệp, đảm bảo thắng lợi, quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tính đến ngày 15/3/2024, toàn tỉnh đã trồng được 2.873 ha rừng trồng tập trung, tăng 10,2% so với cùng kỳ; sản xuất được 8.620 triệu cây giống. Tại Nghệ An, sản xuất lâm nghiệp quý I năm 2024 tập trung thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 08/01/2024 của UBND tỉnh Nghệ An về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 5.321 ha, tăng 9,3%. Hà Giang tập trung chủ yếu vào trồng cây phân tán trên địa bàn toàn tỉnh với số cây phân tán được trồng trong quý I/2024 đạt 984,8 nghìn cây, tăng 447,7 nghìn cây so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong quý I/ 2024 đã trồng mới hơn 1,9 nghìn ha rừng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023 và 1,9 triệu cây phân tán, tăng 5,9%. Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trồng rừng mới tập trung 3.280 ha, tăng 0,9% so cùng kỳ. Tỉnh Bắc Kạn tập trung tiến hành rà soát diện tích đất lâm nghiệp đủ điều kiện đưa vào thiết kế trồng rừng, cũng như chuẩn bị cây giống đủ số lượng, chủng loại đảm bảo đủ chất lượng quy định đáp ứng mùa vụ trồng rừng năm 2024, ước tính đến hết quý I năm 2024, diện tích rừng trồng mới trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 950 ha, bằng 27,3% so với kế hoạch năm và tăng 75,6% so với cùng kỳ năm 2023, diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 3.500 ha, tăng 13,6%. Tại Thanh Hóa, toàn tỉnh đã trồng mới được 2.430 ha rừng tập trung, đạt 24,3% kế hoạch, tăng 6,8% so cùng kỳ và 3.400 nghìn cây phân tán, tăng 4,6%.
Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD (tương đương 1.250 tỉ đồng). Nguồn tiền thu được một phần tiền chi cho các hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Trồng rừng là giải pháp góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội như xóa đói giảm nghèo và một trong những mục tiêu hiện nay là tích trữ carbon để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu cùng các lợi ích môi trường khác. Các địa phương trên cả nước hiện nay đang đẩy mạnh công tác trồng rừng không chỉ giúp cải thiện môi trường sống, điều tiết chu trình nước, giảm thiên tai lũ lụt, ngăn chặn xói mòn đất mà còn có ý nghĩa kinh tế, tích lũy tín chỉ các-bon rừng, đem lại nguồn thu nhập cho địa phương và đạt được mục tiêu “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.